Quảng Nam: Thầy giáo khiếm thị luôn đưa tới ánh sáng cho mọi người

Chiều ngày 22/4/2022, tại TP Tam Kỳ  đã diễn ra buổi họp báo ra mắt Album “Việt Nam hát lên” của thầy giáo khiếm thị Đặng Ngọc Duy. Nơi đây, thầy giáo đã chia sẻ về hành trình sáng tạo nghệ thuật để bây giờ có thể ra mắt những ca khúc với tình yêu quê hương nồng thắm.

Tham dự buổi họp báo có bà Trần Thị Ngọc Thảo – đại diện Ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Nam, bà Đinh Thị Nhàn Thương – Phòng công tác học sinh, sinh viên (thuộc Sở GD & ĐT tỉnh Quảng Nam), cùng toàn thể các PV báo chí, Văn – Nghệ sĩ và các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Buổi họp báo ra mắt nhạc phầm Việt Nam hát lên được tổ chức ở địa điểm ấm cúng, chỉnh chu

Album “Việt Nam hát lên” là tập hợp của 11 ca khúc chủ đạo về tình yêu quê hương, đất nước, tình đất, tình người. Từ bé thầy giáo Đặng Ngọc Duy đã phải sống trong bóng tối vì một sự cố bất ngờ mà thầy đã không thể nhìn thấy ánh sáng. Vì vậy mà mọi thứ thầy biết được đều từ những giác quan khác trên cơ thể, và hơn hết chính là cảm nhận từ trái tim và lý trí.

  Những ca sĩ đã thể hiện được hồn giai điệu của những ca khúc có trong Album

Mở đầu Album là ca khúc “Việt Nam hát lên” với giai điệu trữ tình mà thân thương, lắng đọng. Cả phòng trà như được chìm trong ngọt ngào khi nghe từng câu hát với từng nốt ngân trầm, bay bổng với làn điệu dân ca trữ tình của hai ca sĩ nổi tiếng Ngọc Châu và Linh Giang để rồi những tràng pháo tay nồng nhiệt được vang lên để tán thưởng tài năng của người hát cũng như người viết nên những giai điệu đó.

Thầy giáo Đặng Ngọc Duy trả lời những câu hỏi từ báo chí

Thầy giáo Đặng Ngọc Duy với tất cả tình yêu và nhiệt huyết đã tạo ra một sản phẩm dạt dào tình yêu đối với quê hương, thắm nồng những câu ru “À ơi” của người dân xứ Quảng. Chia sẻ về lý do lựa chọn Album có tên là Việt Nam hát lên, thầy tâm sự rằng: “Thật ra đây chính là bài hát mở đầu của Album nên tôi lựa chọn đó là tên của Album luôn. Thực ra sâu xa thì tôi sáng tác ca khúc này vào thời điểm đất nước ta đang gồng mình chống lại đại dịch Covid-19.

Là một người khiếm thị thì tôi cũng không biết giúp đất nước bằng cách gì bởi tôi cứ nghe trên báo đài nhiều người nhường cơm, sẻ áo giúp nhau từng chai nước, bó rau còn tôi thì chỉ ngồi một chỗ như vậy. Lúc đó tôi trằn trọc mãi thì sau đó mới chọn được cách để hỗ trợ cả nước chống dịch, cuối cùng thì cũng chọn được cách đó chính là âm nhạc. Đó là liều thuốc bổ cổ vũ, động viên tốt nhất để cả nước đồng lòng chống dịch, phát triển kinh tế, giúp nhau cùng đi lên. Đó chính là cách mà tôi có thể giúp đỡ, và với tôi đó chính là thứ ánh sáng duy nhất mà bây giờ tôi có thể nhìn ngắm được ở trong tim”.

Ca khúc “Những ngón tay biết nói” được các em trong Trung tâm Giáo dục Hòa nhập Hướng Dương Việt Quảng Nam biểu diễn

Sau khi được nghe những ca khúc được những ca sĩ có tiếng trình bày, cả phòng lại được lắng đọng khi ca khúc “Ngón tay biết nói” được các em trong Trung tâm Giáo dục Hòa nhập Hướng Dương Việt Quảng Nam biểu diễn. Chia sẻ thêm, thầy Duy nghẹn ngào: “Tôi viết ra bài này từ chính cảm nhận từ cá nhân là một người mắt không sáng như bao người. Mọi thứ đều phải mò mẫm, đi đứng khó khăn, đọc chữ cũng từ bàn tay mà cụ thể là ngón tay. Nhiều em không thể nói thì bàn tay còn là phương tiện để giao tiếp nữa, và bàn tay cũng để cảm nhận nhịp đập của trái tim đứa con của tôi. Đó là lý do tôi lại viết nên ca khúc Ngón tay biết nói”.

Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam tặng hoa cho thầy Đặng Ngọc Duy

Với những nỗi niềm đó thì thầy Duy chưa bao giờ tự xem mình là một gánh nặng cho xã hội, thầy cũng vì vậy mà lựa chọn mở ra Trung tâm Giáo dục Hòa nhập Hướng Dương Việt Quảng Nam để mở ra một hành trình tươi sáng cho những trẻ em có khiếm khuyết về cơ thể, để các em có được một tương lai tốt đẹp hơn. Vì vậy mà tỉnh Quảng Nam nhiều lần đã ghi nhận những thành tích này của thầy để rồi luôn hỗ trợ hết mình cho những hoạt động của Trung tâm mỗi khi cần đến.

Với nhiều nhạc sĩ, ca sĩ hiện đại thì thị hiếu là điều kiện đầu tiên để lựa chọn sáng tác, biểu diễn nhưng với thầy Đặng Ngọc Duy thì chưa bao giờ thầy chạy theo những thứ phù phiếm như vậy. Để sáng tác bài hát thầy luôn lựa chọn đối tượng sáng tác là mọi người ở mọi tầng lớp, lứa tuổi nên vì thế câu từ trong những ca khúc luôn rõ ràng, dễ gây thiện cảm cho người nghe cùng với tình cảm quê hương được đặt vào đó như một thứ gia vị cảm xúc khiến những người đã nghe rồi nhất định sẽ cảm thấy thêm yêu quê hương, đất nước.

Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam sau khi nghe hết tất cả những ca khúc trong Album cũng tấm tắc khen ngợi: “Tôi cảm phục anh Duy mà cũng thật sự coi trọng tài năng của anh khi anh là một người khiếm thị nhưng lại có những tác phẩm nghệ thuật hay tới vậy. Tôi đã nghe tất cả những ca khúc từ Việt Nam hát lên, Cổ tích cho con, Ngón tay biết nói,… và khi nghe lại tôi tự dưng lại hát theo được khi chỉ mới nghe một lần. Giai điệu dễ gần, dễ nhớ và rất hay nên với người có tuổi như tôi khi nghe ca khúc này cũng dễ để hát theo được”.

Thầy giáo Đặng Ngọc Duy đã bắt đầu sáng tác những ca khúc về thể loại này từ rất lâu với cả trăm ca khúc nhưng trong album “Việt Nam hát lên” chỉ tập hợp 11 ca khúc về tình yêu quê hương, đất nước, tình đất, tình người và anh cũng chưa bao giờ xưng mình là nhạc sĩ, chỉ nhận mình là “người viết lời, phổ nhạc” cho những ca khúc dù cho là nổi tiếng. Với Thầy Duy quan niệm luôn lấy lời Bác dạy “tàn nhưng không phế” làm động lực phấn đấu thì chắc chắn sẽ trở thành người có ích cho xã hội.

Đắc Bình – Chiến Thắng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *